Lục Yên trên đường hội nhập và phát triển

Lục Yên trên đường hội nhập và phát triển

Có địa giới hành chính giáp ranh với các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, huyện miền núi Lục Yên nằm ở phía đông bắc tỉnh Yên Bái, giữa dãy Hoàng Liên Sơn và hồ Thác Bà (hồ nhân tạo hình thành do chặn sông Chảy) đã tạo hệ đất phù sa và hệ thống đất Feralit, cộng độ ẩm cao thích hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp. Nơi đây nổi danh với các sản phẩm ru-bi hồng ngọc, mà hiện diện của nó là chợ đá ngày ngày vẫn hoạt động trao đổi buôn bán đá quý và các sản phẩm chế tác từ đá quý. Cùng với sự đổi thay của vùng Tây Bắc, Lục Yên ngày nay có nhiều sự khởi sắc.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Chương Phát cởi mở ví von: Lục Yên như cô gái đang tuổi dậy thì, cái gì cũng mới lạ, đầy hoang sơ và quyến rũ! Thật vậy, cách đây 30 năm, Lục Yên khó khăn chồng chất về cơ sở hạ tầng: đường giao thông cấp phối là chủ yếu; hệ thống giáo dục, y tế lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao; nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, thuộc diện đặc sản như: cam sành, khoai tím, gà thiến, vịt bầu, cá bỗng… không có đầu ra, chỉ tự cung tự cấp là chính. Một lợi thế về đá hoa trắng với độ trắng tinh khiết cao, trữ lượng lớn cả mấy trăm triệu khối, duy nhất ở vùng Tây Bắc “ngủ yên” cả triệu năm chưa được đánh thức.

Lịch sử cách mạng Lục Yên ghi rõ, với lòng yêu nước nồng nàn, đồng bào dân tộc thiểu số giác ngộ sớm, đội du kích Cổ Văn được thành lập sớm, là lực lượng vũ trang nòng cốt trong việc giành chính quyền về tay nhân dân ngày 24-7-1945. Tháng 4-1947, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết thành lập Ban Huyện ủy Lục Yên gồm ba đảng viên gánh vác công việc của Đảng ở địa phương. Nơi đây đã đùm bọc, nuôi dưỡng hàng nghìn dân cư từ các vùng địch tạm chiếm tản cư về sinh sống. Nơi Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Lào Cai chọn làm an toàn khu, từ đó lãnh đạo nhân dân phối hợp cùng bộ đội đánh thắng trận Phố Ràng, Nghĩa Đô, phá tan thủ đoạn của địch hòng bao vây Thủ đô Kháng chiến từ phía biên giới trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi cuộc di dân vĩ đại từ vùng lòng hồ, nhường đất cho công trình thủy điện đầu tiên của miền bắc, hàng nghìn hộ dân dời quê lập nghiệp vùng đất cao hơn, với bao khó khăn vất vả ổn định cuộc sống mới, để nay có một Thác Bà mênh mang rộng hơn 23.000 ha.

Xác định lợi thế địa phương, huyện Lục Yên sớm quy hoạch vùng phát triển kinh tế phù hợp: với chín xã dọc quốc lộ 70 tập trung làm kinh tế trang trại, khai thác chế biến gỗ rừng trồng; vùng đồng bằng tập trung thâm canh cây lương thực hàng hóa; tám xã vùng cao phát huy lợi thế làm du lịch, chăn nuôi, trồng rừng. Qua đó, hình thành rõ nét các vùng tre măng, cây quế, cây ăn quả có múi, đặc biệt nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, đến nay tỷ lệ độ che phủ đạt 67%. Qua tích tụ ruộng đất, hiện đã có nhiều trang trại trồng cây ăn quả rộng vài chục ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Huyện phấn đấu trồng mới 500 ha tre măng bát độ, 500 ha tre măng mai, vùng cam 500 ha… nhằm nâng cao giá trị và cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Năm 2017, cam sành Lục Yên được chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2.000 tấn quả, mở ra hướng đi mới trong nông nghiệp nông thôn miền núi.

Được thiên nhiên ban tặng cho loại đá trắng có độ tinh khiết rất cao, từ năm 2000 Lục Yên bước đầu tiến hành khai thác, chế biến, xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện, Nhà nước đã cấp 35 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho 32 doanh nghiệp, với tổng diện tích gần 595 ha. Trong đó, có những đơn vị đang thăm dò, khai thác, chế biến đá vôi trắng có hiệu quả là: Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, công suất hai triệu mét khối/năm; Công ty CP khai khoáng Thanh Sơn, công suất 35.000 m3/năm; Công ty TNHH MTV Vạn Khoa Lục Yên, công suất 470.000 tấn sản phẩm/năm; Công ty CP Stone Base Việt Nam, công suất 60.000 tấn/năm, đã góp phần vào nguồn thu ngân sách, kiến tạo nhiều công trình phúc lợi, làm đổi thay diện mạo của một huyện miền núi. Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ đá xẻ, đá khối, đá hạt, đá siêu mịn có mặt trên thị trường thế giới. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.800 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu từ đá vôi trắng đạt 40 triệu USD.

Đảng viên 50 năm tuổi Đảng Triệu Quang Vân, dân tộc Tày, quê ở xã vùng cao Khánh Thiện cho biết: "Mình sinh ra và trưởng thành ở đây, giờ thấy Lục Yên đổi thay nhiều lắm. Đường về các xã đã được bê-tông hóa dễ đi, cột sóng điện thoại di động mọc nhiều nên ở đâu cũng gọi nhau được, các cháu trong độ tuổi đến trường không còn bỏ học, các bác sĩ ở bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật hiện đại, không phải chuyển viện xa nữa. Đồng bào Tày, Nùng, Dao quê mình đã chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Gà thiến, vịt bầu Lâm Thượng hay cá bỗng Khánh Thiện là đặc sản, đạt giá trị cao, nuôi đến đâu bán hết đến đó, đồng bào mình giàu lên nhiều đấy".

Trong 5 năm gần đây, có 426 công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả với số vốn hơn 380 tỷ đồng (huy động trong dân hơn 85 tỷ đồng). Thực hiện Đề án giao thông nông thôn, người dân đồng thuận với chính quyền, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đã hiến hơn 34.000 m2 đất ở, đất vườn, cùng tài sản kiến trúc khác trị giá 1,2 tỷ đồng; huy động ngày công đóng góp ước đạt 90 tỷ đồng, hoàn thành 142,4 km đường bê-tông, mở mới 90 km đường liên thôn xã, tạo diện mạo mới trong vùng nông thôn miền núi. Từ ba đảng viên ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ huyện đã có hơn 6.000 đảng viên ở 60 chi, đảng bộ, là hạt nhân nòng cốt luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, tự lực, tự cường; cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong xây dựng nông thôn mới. Với truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Lục Yên ngày nay đang trên đường phát triển và đổi mới cùng đất nước.